Giá nhôm chạm mốc kỷ lục 3,600 USD/tấn và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt
Giá nhôm chạm "đỉnh"
Theo LME (London Metal Exchange), giá nhôm thế giới lại tiếp tục tăng mạnh đạt kỷ lục 3.600 USD/tấn vào ngày 2/3/2022. Giá nhôm liên tiếp đạt các đỉnh kỷ lục gần đây, chẳng hạn như tăng 12% trong tháng 2 - mức tăng hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 4 năm 2018.
Giá nhôm thế giới tiếp tục tăng mạnh
Tính từ đầu năm 2022 đến nay, giá nhôm đã tăng gần 30%, trở thành ‘ngôi sao sáng’ trên thị trường kim loại cơ bản. Việc giá nhôm tăng bất chấp thông tin dự trữ nhôm trên sàn LME tăng cho thấy thị tường này khó có thể hạ nhiệt trong một sớm một chiều.
Lý do giá nhôm đang ở mức cao kỷ lục là do những lo ngại về nguồn cung khi tình trạng thiếu điện xảy ra trên diện rộng gây hạn chế sản lượng ở cả Trung Quốc và Châu Âu. Quan điểm cứng rắn của phương Tây đối với Nga về vấn đề Ukraine làm dấy lên lo ngại về nguy cơ một trong những nhà sản xuất nhôm lớn nhất thế giới có thể bị trừng phạt càng đẩy giá kim loại nhẹ này tăng nóng.
Thị trường nhôm bị ảnh hưởng lớn vì chiến sự tại Ukraine
Nga sản xuất khoảng 6% lượng nhôm của thế giới và chiến sự tại Ukraine sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu kim loại này của Nga, giảm nguồn cung, dẫn đến giá tăng. Giá nhôm lên cao sẽ ảnh hưởng đến ngành xây dựng, bao bì và trên hết là lĩnh vực ôtô.
Giá kim loại này sẽ tăng mạnh nếu có bất kỳ biện pháp nào được áp dụng, trong tình trạng lượng dự trữ cực thấp như hiện nay. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng một động thái như vậy là khó xảy ra, mặc dù căng thẳng gia tăng về Ukraine có thể đẩy giá khí đốt lên và buộc có thêm nhiều nhà máy luyện nhôm phải đóng cửa.
Mức độ tăng/giảm dự trữ nhôm của sàn LME hàng tháng
Thiếu hụt nguồn cung ở Trung Quốc
Cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu và việc Trung Quốc phải phân bổ hạn ngạch sử dụng năng lượng, kết hợp với nhu cầu mạnh mẽ đến từ doanh số tiêu thụ xe điện tăng cao, đã đưa thị trường nhôm từ chỗ dư thừa trong nhiều năm liền bỗng chốc chuyển sang thiếu hụt nghiêm trọng. Ngân hàng Goldman Sachs dự báo giá nhôm trong 12 tháng tới sẽ lên tới 4.000 USD/tấn.
Nhà phân tích Nicholas Snowdon của Goldman cho biết: "Chúng tôi tin rằng thị trường nhôm sẽ còn tiếp tục phải đối mặt với sự tăng giá trong năm nay, do dự trữ cạn kiệt và thiếu hụt nguồn cung ở Trung Quốc và các nơi khác trên thế giới.
Chênh lệch giữa giá nhôm Châu Âu và giá nhôm của Mỹ lên mức cao kỷ lục
Nhôm cần một lượng lớn điện năng trong quá trình tinh luyện từ alumin thành nhôm tinh chế. “Sản xuất nhôm tiêu tốn nhiều nhiên liệu và chi phí năng lượng trung bình chiếm hơn một phần ba chi phí sản xuất”, Giám đốc điều hành nghiên cứu toàn cầu của Standard Chartered Sudakshina Unnikrishnan nhận định. Tại Trung Quốc, quốc gia sản xuất và tiêu thụ nhôm lớn nhất, giá tăng vì nguồn cung hạn hẹp khi Chính phủ nước này thực hiện chính sách "zero Covid" và hạn chế sản xuất khi Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh đang diễn ra.
*Nguồn: Theo Reuters
*Nguồn ảnh: Sưu tầm